Shangri La Trong Tim

“Tiểu ca ca, anh có biết em là người ở đâu không?”
“…?!”
“Là người ở trong trái tim anh!”

Tôi vẫn nhớ những ngày tuổi trẻ ấy, khi chênh vênh giữa tự do và ổn định, giữa cái tôi muốn bay nhảy và sự nghiệp vững chắc, tôi chọn cho mình một nơi bình yên để đi về, gọi là Shangri La. Tự hào nho nhỏ mỗi lần check in vào nhà của mình, mỗi khi mua một món đồ mới, mỗi khi dần có những tích luỹ là thành quả của nhiệt huyết và tinh thần của tuổi trẻ. Shangri La là nhà, đã từng nhiều lần chuyển qua chuyển lại, đã từng nhiều lần ở chỗ nọ chỗ kia, nhưng nhà là Shangri La. Có những câu chuyện đã trôi vào quá khứ, có những nơi ở đã để lại phía sau, nhưng Shangri La là chốn bình yên vẫn luôn đi theo từ những ngày ấy.

Tôi luôn muốn đến Shangri La thật, tận mắt ngắm nhìn xem chốn thiên đường hạ giới giống như trong truyện ấy là gì? Liệu cái châu tự trị Địch Khánh đổi tên thì có điểm nào giống như vậy? Tôi luôn cảm thấy ái ngại mỗi khi nghĩ đến người Tạng và văn hoá Tạng, một phần bởi lịch sử quá phức tạp, một phần bởi bức tranh nhiều màu sắc do những người đi trước vẽ ra. Một nơi tinh thần, văn hoá được tô điểm bởi sự đấu tranh, bởi bạo lực, bởi đồng hoá, bởi quá nhiều đau thương và nước mắt, trong khi lý ra phải là nơi tồn tại của sự thanh tịnh, của chốn thoát tục hư không. Tôi hình dung ra nơi ấy, trong cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông cao nguyên, nằm ẩn mình dưới chân những ngọn núi tuyết ngàn năm, dưới những dãy cờ lungta nhiều màu sắc bay phấp phới trong làn khói lạnh, giữa những tiếng kinh Tạng âm âm vang vang trầm đục, những bộ cà sa đỏ đất nhẹ nhàng lướt qua, một ngày cứ như thế trôi đi, không cần phải nghĩ gì, cũng không có điều gì xảy ra. Cứ thế, cứ thế, dòng chảy thời gian, dòng đời quay vòng giống như những vòng quay chuyển pháp luân, lặng lẽ, luân hồi.

Tôi có thói quen nghiên cứu nhiều trước mỗi chuyến đi. Đọc nhiều, tìm hiểu nhiều giúp mình tự tin hơn khi đến những vùng đất mới, nhưng lại giảm bớt đi sự thích thú của việc lần đầu trải nghiệm. “À ừ, như vậy đấy, đã biết trước điều này!”. Càng tìm hiểu nhiều về vùng đất này càng làm chậm lại chuyến đi của mình, tôi cảm thấy áp lực của nền văn hoá ấy, cái áp lực lên tâm tưởng giống như cảm giác thiếu oxy trên cao nguyên. Một chút khó thở, một chút đau đầu, một chút mệt mỏi, một chút nặng nề cứ thế bám theo trong từng bước chân, trong từng nhịp thở, trong từng giấc ngủ. Nó cứ thế đeo bám dai dẳng, tạo ra cảm giác ngại ngần mỗi lần nghĩ đến, mỗi lần dự định bước chân lên đường.

Shangri La như tôi đã đến không hoàn toàn giống như trong suy tưởng. Hình như phàm việc gì suy nghĩ theo chiều hướng cực đoan đều không thực tế, và đôi khi dư thừa thông tin thực sự không tốt trong nhiều hoàn cảnh. Chuyển pháp luân khi quay tiếng không kêu rền rĩ như tôi từng nghĩ, người dân nơi đây cũng không có sự buồn đau hằn trên khuôn mặt, và hẳn là, tôi đã không phải hai tay ôm hai bình oxy, nửa đêm bật dậy thở như trong tưởng tượng.

Bầu trời cao nguyên xanh ngăn ngắt, nắng lạnh chói chang, ánh nắng làm cho tất cả những bức ảnh chụp người giống như ghép trên phông xanh trong Photoshop. Cái nắng gắt để phải che mắt liên tục vì chói nắng. Cái lạnh khô len lỏi vào trong áo quần nhưng không đến mức cắt da cắt thịt. Oxy ít đủ để cảm thấy hơi nhói đầu mỗi khi bước quá nhanh. Tôi đi chậm rãi, bước ngắn trong khu cổ thành như thế, nhấm nháp một củ khoai nướng, tay lăm le máy ảnh, luồn lách giữa những ngõ nhỏ lắt léo, giữa những cửa hàng bán đủ thứ đồ trong những căn nhà gỗ nhỏ thấp tầng mà không cần phải xem bản đồ. Cổ thành bị cháy xây lại mới quá, nó làm tăng cảm giác về một sự nhân tạo gượng ép giống như việc đổi tên Địch Khánh thành Shangri La. Nó khiến cho cái ý nghĩ không thích Trung Quốc của tôi cứ thế nhí nhách tăng lên theo từng bước đi. Ơ thế nhưng mà bị cháy thì cũng đâu phải cái tội nhỉ?

Mọi con đường ở cổ thành đều dẫn đến hoặc xuất phát từ Đại Phật Tự. Nằm trên đỉnh đồi thấp thoáng sau những rặng cây rậm rạp, nơi này khiến tôi thoáng chút bối rối, khi nhận thấy sự pha trộn văn hoá rõ nét của những điện thờ mái cong người Hán bên cạnh chuyển pháp luân người Tạng. Có lẽ đây là địa điểm đẹp nhất để ngắm nhìn cổ thành và những mái nhà duyên dáng xây theo kiểu truyền thống từ trên cao.

Tu viện Tùng Tán Lâm sừng sững soi bóng từ trên cao xuống mặt hồ, rực rỡ và tráng lệ dưới ánh nắng cao nguyên. Đứng ngắm nhìn từ phía bên kia bờ hồ, tôi cứ ngỡ có một luồng tinh thần quét qua, một ánh mắt lia nhìn, dường như sự hiện diện của mình đã được biết đến.

Bảng mầu ở đây khiến tôi say mê, đỏ đất, vàng nghệ, đen thẫm, kem đá ong, đùng đục dưới ánh vàng chói lọi trên nền trời xanh thẫm. Tôi đứng ngây người trên sân tu viện lộng gió, rợp cánh chim bay, lại là một “lần đầu”! Tôi trân trọng cái trải nghiệm đó, trải nghiệm giống như lần đầu bước vào một ngôi chùa Thái, một giáo đường Hồi Giáo, một ngôi đền Hindu hay một ngôi đền Bali. Lần thứ hai sẽ không bao giờ giống như lần đầu. Bên trong đại điện tu viện không được phép chụp ảnh, tôi đứng bần thần ngửa cổ ngước nhìn lên vị Phật cao đến trần tu viện đang cúi đầu nhìn xuống, ánh mắt vô thường. Cảm thấy mình thật nhỏ bé, bồn chồn, thầm cảm phục cái hồn nằm trong bức tượng, ánh mắt đó đã ở đấy bao lâu, đã từng nhìn thấu qua bao nhiêu kiếp người. Đi vòng quanh vị Phật, đeo trên tay chiếc vòng cầu may, nhận một lần gõ chúc phúc lên đầu, chiêm bái các bức tranh thangka ầm ì toả ra những điều nhiệm màu trên trên vách, tôi tin rằng may mắn đó sẽ còn theo mình đi suốt hành trình.

Tôi đi đúng một vòng hồ để săn bằng được góc chụp 45 độ thần thánh như đã thấy trong các bức ảnh bưu thiếp trên mạng, thực ra cũng không phải là để chụp, mà là để một lần thu vào tầm mắt khung hình tuyệt đẹp đó. Con đường lát gỗ quanh hồ uốn lượn quanh co, thi thoảng có một vài vị sư nhè nhẹ đi ngược nhiều, hình như ai cũng tránh gây ra tiếng động. Tự dưng tôi muốn nằm ra đó một lúc, nghe tiếng lũ vịt quàng quạc, nghe tiếng gió lùa giữa những đám cỏ lau, tôi nằm đó, nhìn vài đám mây lờ lững trôi. Ở đây thì người ta làm gì nhỉ? Câu hỏi này thường trực trong đầu tôi mỗi khi đến một vùng đất mới. Người ở đây họ làm gì để sống? Ở đây thì họ làm gì để tận hưởng cuộc sống? Liệu tôi có thể sống được ở đây? Không biết nữa, có thể, nếu như không có lũ vịt! Và rồi tôi cũng tìm thấy nơi đó, trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ ven hồ, nhìn mặt trời chuyển từ blue hour sang golden hour rồi tắt nắng trên tu viện, dưới những cơn gió lạnh lồng lộng, thổi những dải cờ lungta bay phần phật trên đầu.

Tôi dành cả một ngày ở Công viên bảo tồn Potatso, làm đủ những việc có thể làm, chụp đủ những thứ có thể chụp, may mắn tự hỏi ở đây một năm có bao nhiêu ngày được như ngày hôm nay. Nắng lạnh chói chang, mặt hồ xanh thẫm, dường như không có ai để ý ai, tất cả đã bị thiên nhiên rộng lớn ở đây hoà tan sạch sẽ. Tôi ngạc nhiên với nơi này, tại sao ở Trung Quốc có thể tổ chức ra một địa điểm du lịch văn minh và chú ý đến tiểu tiết như vậy, cứ như đang ở công viên bảo tồn quốc gia nào đấy ở Mỹ nếu không có các biển báo ghi chữ tiếng Trung. Chuyến đi này một phần làm tôi thay đổi nhiều định kiến về một đất nước Trung Quốc khó chịu với đầy đủ những thứ tôi ghét cay ghét đắng, ồn ào, bẩn thỉu, chụp giật. Ở đây không có mấy người, lũ ngựa không thèm ngoái nhìn tôi, lũ bò cũng không quan tâm, lũ sóc càng không để ý, không có hàng rào bảo vệ mà cũng chẳng có dải ngăn cách, nhưng tuyệt nhiên không ai làm phiền ai, dường như cao nguyên quá rộng lớn để người ta phải bận tâm về những điều nhỏ nhặt trong lòng.

Tôi quay lại cổ thành vào một buổi tối, cứ nghĩ đến món bít tết bò yak thơm ngon mà tôi đã phải ăn đến tận hai lần, tôi tìm ăn một nồi lẩu bò yak nóng hổi và một đĩa bò yak nướng đẫm mỡ. Ơ, thế mà lại không ngon! Buổi tối cổ thành như biến thành một thế giới khác. Vẫn cái lạnh đó, vẫn những hàng quán đó, vẫn những người dân Tạng và những du khách đó, nhưng màn đêm đã phủ lên một không khí khác, đã xoá đi những cái nhìn khắt khe, đã khiến mọi người mở rộng lòng. Tôi hoà vào những người dân Tạng nhảy múa ở quảng trường Đại Phật Tự. Họ múa và xoay người theo những vòng tròn, với nhịp chân và động tác tay không quá phức tạp, giống như những bông hoa phập phồng lúc cụp lúc xoè. Tôi được nhường một vị trí trong một bông hoa ấy. Trong vòng quay và tiếng nhạc, tôi lại nghĩ, người ta làm gì ở đây nhỉ, liệu làm chủ một cửa hàng trà có hạnh phúc? Hay không, chủ một cửa hàng lưu niệm, hẳn là như vậy! Tôi dứt bỏ dòng suy nghĩ và vị trí trên bông hoa của mình, khi sực nhớ ra, trên giá lưu niệm ở nhà ắt hẳn phải có một cái chuyển pháp luân chứ nhỉ!

“Anh có biết không, Shangri La có nghĩa là Nhật Nguyệt Trong Tim.”

Tôi nghĩ nhiều về ý nghĩa của cái tên ấy, thực ra nhiều hơn là về khái niệm của sự an nhiên gắn liền với nó. Làm sao để có thể tìm ra được nơi thiên đường hạ giới, chợt nhận ra sự bình yên, sự đầy đủ thực sự nằm ở trong tim, nơi đủ lớn để chứa được cả nhật nguyệt, nơi cân bằng giữa nóng và lạnh, nơi an yên vĩnh cửu, chỉ có thể là ở trong tim của chính mình.

Và hẳn tôi đã có một quyết định đúng khi chọn tên Shangri La, để đi đâu cũng thế, về được Shangri La, để về nhà, về chỗ bình yên của riêng mình.