Ngày Mưa ở Trường Sinh Cung

Tôi không có nhiều cơ hội đi Huế, mặc dù bản thân có nhiều điều muốn tìm hiểu về nơi này. Khi đi du lịch trong nước thường không có được cái cảm giác là đang đi du lịch, theo nghĩa là tìm hiểu khám phá cái mới, chỉ là đi chơi một chút. Mà khi đi chơi thường tìm đến những nơi tiện lợi, lại có biển như Nha Trang, Phú Quốc hay Đà Nẵng. Nằm ra vài ngày, cho hết mệt, xong về! Tôi cũng không đi miền Trung vào những mùa không đẹp. Mẹ tôi hay bảo thích Đà Nẵng, thời tiết đẹp, không khí dễ chịu, muốn vào Đà Nẵng sống, tôi hỏi mẹ đã thử đi Đà Nẵng vào mùa mưa bão?

Tôi đến Huế lần này vào một tuần cuối Đông mưa nhí nhách, mưa không đủ to đủ ngại để nằm ngủ lì trong khách sạn, nhưng cũng đủ để ướt sũng giày sau những buổi chiều lang thang. Ở Huế có quá nhiều thứ để xem, cũng có không ít thứ để ăn, chỉ hơi buồn là cái gì xem được đều đã xem rồi, cái gì ăn được cũng ăn cả rồi, thế nhưng dưới màn mưa dường như mọi thứ đều có một sức sống mới, một sinh khí khác.

Tôi dạo bộ trong Đại Nội dưới trời mưa lất phất, tránh xa đám đông khách du lịch mặc áo mưa xanh đỏ cười nói ồn ào. Cái cảm giác lạ lạ quen quen, mình biết nơi này nhưng sao trông khác nhỉ, tạo ra sự thú vị đặc biệt trong một buổi chiều mưa lạnh. Nhìn những hành lang dài hun hút, những đống đổ nát cỏ mọc xanh ven đường, tôi nghĩ về một thời kỳ vàng son đã qua, không biết nên thấy vui hay thấy buồn. Lịch sử là như vậy, những gì cần phải trải qua đã trải qua, đúng hay sai không còn quá quan trọng.

Tôi dừng chân trước cổng Trường Sinh Cung, không một bóng người. Khác với những nơi khác đông khách du lịch, nơi này ẩn mình trong đám cây cao rậm rạp, ở một góc sâu khuất của Đại Nội, cứ như thể không muốn bị người khác phát hiện. Nơi vui chơi và sinh sống của các bà Hoàng Thái Hậu, các bà Thái Hoàng Thái Hậu hẳn phải là nơi thâm cung, yên tĩnh, tránh xa chốn hồng trần. Nơi đây mặc dù là phục chế lại nhưng vẫn có đầy đủ những nét đẹp xinh mà tôi có thể hình dung ra trong trí tưởng tượng. Khác với cung điện Trung Hoa với sự hoành tráng khiến người khác có cảm giác khiếp sợ, áp chế khi thấy thiên tử, cung điện của nước mình có sự vừa phải của nước nhỏ, nhưng lại có nét gần gũi, duyên dáng, hấp dẫn một cách đặc biệt, không quá phô trương, nhưng cũng không hẳn là đơn giản, tầm thường.

Tôi ngồi nhâm nhi vài miếng snack khoai tây ở Tạ Trường Du trong Cung Diên Thọ, ngoài trời mưa lộp độp, nước mưa nhỏ giọt chảy tong tong theo mái xuống mặt hồ, nước mưa rơi tí tách trên hòn non bộ. Bà Hoàng Thái Hậu nào đã ngồi như tôi vào một ngày mưa như thế này, có lẽ trong lúc thưởng một tách trà Cung Đình bốc khói, đã nghĩ đến những việc gì cho thế gia đại sự? Tôi thì chỉ thấy đơn giản một sự nhẹ nhõm, thanh tịnh, bình yên đến lạ. Mọi thứ dường như tạm dừng, cùng đợi cho qua sự tẩy rửa của đất trời.

Thế Tổ Miếu thờ mười vị vua nhà Nguyễn cùng các bà hoàng hậu. Các án thờ đều tắt đèn, không hương khói, không bày lễ. Tôi lặng lẽ dạo bước, nghiêng mình trước một phần lịch sử của đất nước. Không có sự thờ phụng cũng như thần thánh hoá ở đây, Đại Nội tạo ra một cảm giác bảo tàng tĩnh lặng, là nơi con cháu đời sau cùng nhìn lại, chiêm nghiệm, chứng kiến những gì đã qua. Nơi duy nhất còn có hương khói có lẽ là Khương Ninh Các, nơi thờ cúng Thần, Phật của các bà Hoàng Thái Hậu. Trong những tiếng cầu khấn thi thoảng vang lên ở chốn hậu cung ít người qua lại đó, có được lời nào dành cho các vị vua tiền triều?

Tôi đi một vòng các lăng tẩm xung quanh thành phố, cứ như một lịch trình cố định theo thói quen. Ứng Lăng của vua Khải Định ánh lên một màu đen bóng như than đá trong làn mưa mỏng. Sự kì dị của kiến trúc ngoại lai, trang trí tinh xảo, cùng với màn trời u ám, khiến tôi có cảm giác như đi vào một phân cảnh của bộ phim Chạng Vạng. Không có nơi nào ở xứ Huế giống như nơi đây, sự đặc biệt cũng như sự chi tiết của lăng mộ hẳn xứng đáng với số tiền khổng lồ bỏ ra cùng thời gian hơn một thập kỷ xây dựng.

Tôi bước chân trên Trung Đạo Kiều tiến đến Bửu Thành nơi chôn cất vua Minh Mạng. Ngần ngại nhìn lên cánh cổng khoá kín, tôi không bước chân lên bậc thang. Cảm thấy thất lễ nếu làm phiền đến sự tĩnh lặng nơi đây, tôi quay trở lại Minh Lâu, từ đó ngắm nhìn quang cảnh xung quanh từ trên cao. Hiếu Lăng của vua Minh Mạng hoà mình vào cùng với thiên nhiên núi rừng, nhưng vẫn toát ra một vẻ uy nghiêm tráng lệ, cùng với các giá trị kiến trúc cũng như tư tưởng Việt Nam gắn liền, quả thật là một kiệt tác của lịch sử.

Khiêm Lăng của vua Tự Đức có sự hài hoà, mềm mại hiếm có. Những công trình và kiến trúc nơi đây giống như một khu nghỉ dưỡng thay vì một lăng tẩm. Vọng lâu bên bờ hồ, những chiếc cầu đan xen bắc qua lại, chính điện, tả, hữu điện được xây dựng làm nơi vãn cảnh, nghỉ ngơi, nơi yên nghỉ chỉ là chức năng khi vua qua đời. Cũng giống như các lăng tẩm khác, dù ẩn mình dưới vẻ nhẹ nhàng duyên dáng, không có công trình nào được xây dựng lên mà không tốn máu và nước mắt. Lưu lại cho hậu thế, cho đời sau ngắm nhìn, bằng bất cứ cách nào đều có cái giá phải trả của nó.

Tôi dành một buổi chiều để chậm rãi đi thăm chùa Thiên Mụ và đi thuyền trên sông Hương. Trong màn mưa, Tháp Phước Duyên không hiện ra trên nền trời xanh ngắt, cũng chẳng có hàng phượng vỹ đỏ rực lửa soi bóng nắng bên sông Hương, vậy thì lấy đâu ra những nữ sinh đội nón chở nhau trên chiếc xe đạp trong tà áo dài trắng tinh khôi?!

Bồi hồi mỗi khi đến và lưu luyến mỗi khi đi, Huế không có những thứ tôi yêu thích, cũng chẳng có những điều tôi say mê. Huế với tôi chỉ đơn giản giống như quán chè Hẻm, tối nào cũng đội mưa, lội nước, ướt sũng giày đến để ăn hai cốc rồi về, vậy thôi!